Nước Pháp, nơi đang có sự hiện diện, đóng góp về nguồn nhân lực chất lượng cao của rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải (ĐHGTVT) nói riêng, đặc biệt trong ngành xây dựng Công trình. 

Phan Tuấn Linh lớp Cầu đường Pháp (CDP) K40 và tác giả bài viết

Mỗi lần tới Pháp công tác, tôi đều gặp lại những cựu sinh viên lớp Cầu đường Pháp Trường Đại học Giao thông vận tải. Một ngày tháng tư đẹp trời, năm nước Pháp đã bỏ khẩu trang sau đại dịch Covid 19, tôi lại có mặt ở nhà Phan Tuấn Linh lớp Cầu đường Pháp (CDP) K40 sau hơn 20 tháng không gặp em vì cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. 

Linh đang làm kỹ sư kết cấu thép tại cộng hòa Pháp cho công ty PL Maitre. 

Ngồi ăn trưa ngoài trời rồi cafe trước hiên nhà nhìn ra là khu rừng nhỏ ngoại ô Paris, tôi đã có một cuộc trao đổi nhỏ với em, người mà lần nào sang cũng say sưa cùng tôi nói về trường, lớp, về sinh viên và về ngành xây dựng công trình trong tương lai. 

Phan Tuấn Linh tốt nghiệp hệ 5 năm lớp Cầu đường Pháp khoá 40 Trường ĐHGTVT. Ngay năm thứ 2, em đã được học bổng 2 tháng đi trau dồi tiếng Pháp tại Cộng hoà Pháp. Năm cuối bảo vệ đồ án xuất sắc, Linh đã nhận được học bổng của AUF ( Tổ chức Đại học Pháp ngữ) để tiếp tục học master và nghiên cứu sinh tại Trường đại học Marne la Vallée. 

Sống ở Pháp gần 20 năm, làm việc đúng ngành nghề đã được đào tạo tại Trường ĐHGTVT, Linh luôn khẳng định những kiến thức về ngành Xây dựng công trình đã được học tại Trường chính là những kiến thức nền tảng giúp em học tốt thạc sĩ và tiến sĩ cũng như ứng dụng trong công việc hiện nay. 

Khi được hỏi về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội của ngành xây dựng công giao thông, Phan Tuấn Linh đã chia sẻ: “Ngành xây dựng công trình giao thông là một ngành khó, có quá trình đào tạo được coi là khá nặng so với các ngành khác. Công việc của một kỹ sư ngành xây dựng công trình giao thông cũng có trách nhiệm đặc biệt cao, đòi hỏi không được sai sót và thường xuyên phải đi công tác xa. Tuy nhiên, Linh cũng đưa ra một số lời khuyên giành cho sinh viên đang theo học ngành xây dựng công trình giao thông: “Trước hết đã chọn ngành xây dựng công trình giao thông thì phải yêu ngành mình lựa chọn và nuôi dưỡng tình yêu đó. Tập trung học tốt các môn học cơ bản của chuyên ngành để tăng tính linh hoạt. Khi ra trường nếu khó khăn về ngành nghề hoàn toàn có thể linh hoạt chuyển sang các ngành khác như xây dựng dân dụng; xây dựng công nghiệp hoặc xây dựng thủy lợi vì mình đã có kiến thức cơ bản tốt chuyên ngành xây dựng rồi. Thực tế cho thấy rất nhiều sinh viên ngành xây dựng  của trường ĐHGTVT hiện đang làm việc trong xây dựng dân dụng, xây dựng hạt nhân, xây dựng dầu khí và xây dựng công nghiệp tại Pháp nhờ có kiến thức cơ bản chuyên ngành tốt và sống tốt với nghề của mình”.

Theo kỹ sư Phan Tuấn Linh, ngành xây dựng CTGT là một ngành cơ bản của mọi quốc gia, nó sẽ khó có nhu cầu đột biến trong tương lai nhưng luôn giữ một tỷ trọng nhất định trong chi tiêu ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân. Khi hệ thống cầu đường được đầu tư xây mới rất nhiều và dần hoàn chỉnh thì một lượng việc vẫn rất nhiều đó là bảo dưỡng, thay thế những công trình hư hỏng, xuống cấp. 

Một buổi nói chuyện không lâu những cũng đủ sâu của chàng trai mang 2 quốc tịch Việt - Pháp về tương lai của ngành xây dựng công trình không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên tại các nước phát triển trong đó có nước Pháp.

NGUYỄN THỊ CÚC

Có thể bạn quan tâm:
Bản quyền @2024 bởi CAIT - Trung tâm ứng dụng CNTT ĐH Giao thông Vận tải